1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là từ dùng để mô tả sự vận động ngược vào thực quản của những thành phần có trong dạ dày như không khí, thức ăn, dịch dạ dày, muối mật. Trào ngược thường gây trớ ít sữa ra miệng, hoặc kèm theo tiếng ợ. Tình trạng này thường xảy ra trong khi bú hoặc sớm sau khi bú. Đa số trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản thường ít ảnh hưởng đến sức khỏe, không cần làm xét nghiệm hay uống thuốc.
2. Nguyên nhân nào gây trào ngược dạ dày thực quản?
Trào ngược xảy ra do sự đóng lại không kín của cơ thắt ở phía đầu trên của dạ dày. Hơn 50% số trẻ sơ sinh bị trào ngược, tình trạng này là bình thường và vô hại. Trào ngược là vấn đề khi nó gây chậm tăng cân, gây nghẹt thở do hít vào đường thở, hoặc acid trong dịch dạ dày gây viêm thực quản. Những biến chứng này chỉ gặp vào khoảng 1% số trẻ.
3. Trào ngược dạ dày thực quản kéo dài trong bao lâu?
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sẽ cải thiện dần dần khi trẻ lớn lên. Trong đa số trường hợp, trào ngược giảm dần và biến mất khi trẻ được 7-8 tháng tuổi. Lý do chủ yếu là trẻ ở lứa tuổi này có thể ngồi và ăn những thức ăn đặc hơn. Đến khi trẻ biết đi được vài tháng, tình trạng trào ngược nặng cũng có thể biến mất.
4. Bạn nên chăm sóc trẻ trào ngược như thế nào?
- Cho bú số lượng nhỏ: Khi bạn cho bú quá mức, vượt quá dung tích của dạ dày, sẽ gây ra trào ngược. Nếu con bạn đang tăng cân tốt, hãy giảm số lượng sữa (giảm khoảng 30ml trong mỗi lần bú so với số lượng sữa bạn đang cho). Khoảng cách giữa các lần bú ít nhất 2 tiếng rưỡi đồng hồ đủ để cho dạ dày được làm trống. Chú ý: không áp dụng cách thức này nếu trẻ dưới 1 tháng và trẻ không tăng cân tốt.
- Tránh đè ép lên vùng bụng của trẻ, nhất là sau khi bú.
- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sau bú 30 phút.
- Cho trẻ ợ để làm giảm tình trạng trào ngược. Nên cho trẻ ợ sau khi kết thúc bữa bú, không dừng giữa chừng để cho trẻ ợ. Thời gian cho trẻ ợ mỗi lần không quá 1 phút, nên dừng sau đó nếu trẻ không ợ, vì không phải tất cả các trẻ đều ợ.
- Tư thế đúng lúc ngủ: Tất cả các trẻ có vấn đề về trào ngược nên ngủ ở tư thế nằm ngữa (không nên nằm sấp để tránh nguy cơ đột tử ở trẻ), và đầu giường nên kê cao hơn một chút. Nếu con bạn có vấn đề về hô hấp (thở nhanh, khó thở,…), bạn nên đưa đi khám bác sĩ.
5. Điều trị bằng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ nếu con bạn bị viêm thực quản do trào ngược.
6. Khi nào bạn nên đưa bé đi khám ngay?
- Khám bác sĩ ngay nếu bạn thấy máu hoặc dịch mật (màu xanh) trong dịch bé ói ra.
- Trào ngược gây cảm giác nghẹt thở hoặc ngưng thở trên 10 giây.
7. Khi nào nên đưa bé đi khám?
- Trẻ chuyển từ trớ sữa sang nôn ói.
- Trẻ không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp kể trên.
- Trẻ chậm tăng cân.
- Bạn lo lắng hoặc có thêm các vấn đề khác.
Nguồn: Nhi đồng 1